Muốn quản lý tốt nhân viên dưới quyền, một phần phải dựa vào quyền lực có trong tay, lấy quyền lực để quản lý, điều này thuộc về “phần cứng”; phần khác phải dựa vào chính mình, điều này thuộc về “phần mềm”. Chỉ khi các nhà lãnh đạo sửa mình trước khi sửa người, mới mong mọi người nghe theo chỉ đạo của mình. Ảnh minh họa
Người phương Tây thường tìm kiếm phương thức bên ngoài, họ thiết lập ra không biết bao nhiêu chế độ, quy định để trói buộc nhân viên; còn những nhà lãnh đạo Trung Quốc lại luôn đi tìm biện pháp từ chính bản thân mình, đó là: Sửa mình trước khi sửa người khác. Họ đặc biệt chú trọng đến sự tu dưỡng bản thân, nghiêm khắc ép mình vào kỷ luật.
Một doanh nghiệp muốn bứt phá thì những người lãnh đạo phải biết hoàn thiện bản thân.
Lấy mình làm gương
Lưu Chí Hoa là Tổng giám đốc Công ty Thực nghiệm Kinh Hoa tỉnh Hà Nam. Dưới sự lãnh đạo của “vị anh hùng” này, công ty Kinh Hoa từ sau khi thành lập đã nhanh chóng phát triển, đến nay đã trở thành một doanh nghiệp có thực lực hùng hậu với tài sản cố định lên đến 32 triệu Nhân dân tệ. Thành tích ngày hôm nay của công ty Kinh Hoa gắn liền với hình ảnh người lãnh đạo lấy mình làm gương cho mọi người.
Một lần, khi công ty Kinh Hoa thực hiện kế hoạch nghiên cứu và thử sản phẩm mới, Lưu Chí Hoa đích thân lãnh đạo quá trình nghiên cứu và thử sản phẩm. Do thiếu kinh nghiệm, lại là lần đầu tiếp xúc với một lĩnh vực mới mẻ, nên bà có một số sai lầm trong chỉ đạo khiến việc nghiên cứu thất bại. Thực ra, chạy thử sản phẩm mới được phép thất bại, nhưng Lưu Chí Hoa không cho phép mình viện cớ ấy để thoái thác trách nhiệm. Nếu không lâu dần, nguyên tắc chung của cả doanh nghiệp sẽ lỏng lẻo, trật tự bị đảo lộn, không những không thể ổn định sản xuất, mà ngay bản thân người lãnh đạo cũng không có đủ uy quyền để ra lệnh cho người khác.
Chính vì vậy, bà kiên quyết áp dụng cách “bỏ một người để yên lòng cả trăm người”, chỉ có điều “một người” ở đây không ai khác mà chính là bà.
Trước tiên, bà dán trong xưởng một bản thông báo: “Giám đốc Lưu Chí Hoa chỉ đạo mù quáng, gây ra tổn thất cho doanh nghiệp, phạt 100 Nhân dân tệ để cảnh cáo”.
Tiếp đó, trong Đại hội toàn thể công nhân viên công ty, bà lại tiến hành kiểm điểm lại những sai lầm của mình, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm sẽ tìm ra cách giải quyết mới.
Mặc dù con số 100 Nhân dân tệ không phải là một con số lớn, kiểm điểm cũng không phải là một việc quá phức tạp, nhưng Lưu Chí Hoa đã đi tìm vấn đề ngay từ bản thân mình trước, từ đó làm gương cho những người khác. Như vậy, những nhân viên khác không những tôn trọng mà còn coi bà là chuẩn mực cho hành động của họ.
Không bao che cho bất kỳ ai
Lần khác, con trai bà là Hiểu Phong đi làm muộn nửa tiếng. Qua điều tra, bà phát hiện ra rằng buổi trưa hôm đó cậu cùng một số thanh niên đến quán uống rượu, vì vậy mới bị trễ giờ làm.
Lưu Chí Hoa rất coi trọng việc này, bà cho rằng không bao giờ được bao che cho những sai sót của con trai mình. Nếu không, bản thân bà không có lý do để phê bình những nhân viên khác khi họ phạm lỗi. Vì vậy, việc con trai bà đi làm muộn cũng phải xử lý nghiêm.
Một lần nữa, bà lại thể hiện rõ tác phong làm việc nghiêm khắc. Bà yêu cầu con trai nghỉ việc để kiểm điểm và phê bình đích danh tên con mình trên hệ thống phát thanh của công ty, kêu gọi mọi người lấy đó làm gương.
Hiếu Phong nhận lỗi và viết liền năm bản kiểm điểm, nhưng một người nghiêm khắc như Lưu Chí Hoa vẫn chưa hài lòng. Do vậy, bà lại quyết định cho trai mình làm công việc dọn vệ sinh trong nhà máy, để cậu phải thay đổi.
Xét từ một góc độ nào đó, con trai Lưu Chí Hoa là đại diện cho chính bà, vậy nên con trai bà phạm lỗi cũng như chính bà phạm lỗi; khoan dung cho con trai chính là khoan dung bản thân. Quyết định xử lý nghiêm khắc đó có sức thị uy rất lớn đối với mọi người.
Kể từ đó, những thanh niên vốn lười biếng trong công ty đều không bao giờ đi làm muộn. Đồng thời, uy tín của Lưu Chí Hoa cũng được nâng cao. Dưới sự chỉ huy thống nhất của bà, doanh nghiệp không ngừng phát triển lớn mạnh.
“Kỳ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Tương tự, việc bản thân mình không làm được thì đừng lấy cớ gì để buộc người khác phải làm được. Nếu muốn ai đó làm tốt thì trước tiên bản thân mình phải làm tốt.
Muốn quản lý tốt nhân viên dưới quyền, một phần phải dựa vào quyền lực có trong tay, lấy quyền lực để quản lý, điều này thuộc về “phần cứng”; phần khác phải dựa vào chính mình, điều này thuộc về “phần mềm”. Chỉ khi các nhà lãnh đạo sửa mình trước khi sửa người, mới mong mọi người nghe theo chỉ đạo của mình.